Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder) là những nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế dai dẳng và đem lại những ảnh hưởng ta không mong muốn.
Với những người mắc chứng OCD, những suy nghĩ ám ảnh thường sẽ kích hoạt các hành động cưỡng chế nhằm giúp xua tan những suy nghĩ đó và giảm bớt sự đau đớn. Nhưng những hành động này thường chỉ giúp giảm đau trong thời gian ngắn và sẽ không làm nỗi ám ảnh biến mất.
Do đó, những nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế có thể trở thành một vòng luẩn quẩn khó có thể dừng lại. Thời gian bạn dành để làm những hành vi cưỡng chế có thể chiếm một khoảng lớn trong ngày của bạn, đến mức bạn cảm thấy khó có thể làm được việc gì khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến học tập, công việc hoặc cuộc sống cá nhân của bạn.
Vậy làm thế nào để nhận biết chúng và thoát ra khỏi vòng lặp này? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về nỗi ám ảnh và các hành vi cưỡng chế nhé!
Nỗi ám ảnh là gì?
Những suy nghĩ ám ảnh có thể làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn, ngay cả khi bạn biết chúng không có thật. Bạn có thể có nhiều triệu chứng dựa trên nhiều nỗi ám ảnh khác nhau, và thường sẽ trải qua một số loại cùng một lúc. Đây là những nỗi ám ảnh khá phổ biến:
Ám ảnh với sự sạch sẽ
Nếu bạn ám ảnh với sự sạch sẽ, bạn đang sợ những thứ có thể khiến bạn bị “bẩn” hoặc ốm yếu, chẳng hạn như:
- Bùn và bụi bẩn
- Mồ hôi cơ thể
- Tia bức xạ, ô nhiễm hoặc các mối nguy hiểm môi trường khác
- Vi trùng và bệnh tật
- Các đồ gia dụng có cồn (như sản phẩm tẩy rửa, bình xịt côn trùng, v.v.)
Ám ảnh với những hành vi nhạy cảm
Đây có thể là những hình ảnh hay sự thúc dục trong cơ thể mà khiến cho bạn khó chịu, vì bạn thật sự rất không muốn làm những hành động ấy. Một số ví dụ bao gồm:
- Suy nghĩ đồi truỵ về các thành viên trong gia đình, trẻ em, hay bất kì hoạt động tình dục nào hung hăng với người khác
- Suy nghĩ về các hành vi tình dục mà bạn không hề có hứng thú tham gia vào
- Lo sợ bản thân sẽ có những hành xử bạo lực với người xung quanh
- Lo sợ rằng các hành động bình thường thực chất lại sai trái và vô đạo đức
Chúng ta cần ghi nhớ rằng việc một người có những kiểu suy nghĩ ám ảnh này không có nghĩa là họ sẽ hành động theo chúng. Một phần nguyên nhân khiến bạn khó chịu khi có nỗi ám ảnh này chính là vì bạn không muốn hành động theo những suy nghĩ đó.
Ám ảnh về việc mất kiểm soát hoặc hành động theo cảm tính
Ví dụ: Bạn có thể lo lắng về việc:
- Làm tổn thương chính mình hoặc người khác
- Ăn cắp một cái gì đó hoặc vi phạm pháp luật
- Bộc phát những ngôn ngữ hung hăng, thô lỗ hoặc tục tĩu
Một lần nữa, có những nỗi ám ảnh này không có nghĩa là bạn sẽ hành động theo chúng.
Ám ảnh về việc vô tình làm hại người khác
Với loại ám ảnh này, bạn thường hay sợ mình sẽ gây ra tai nạn nào đó, ví dụ như:
- Đầu độc ai đó vì lỡ sử dụng sai nguyên liệu khi nấu ăn
- Vô tình tông trúng ai đó khi lái xe
- Quên không tắt bếp sau khi sử dụng và chẳng may gây ra cháy nổ
- Quên khoá cửa nhà hay văn phòng và chẳng may tạo điều kiện cho trộm cắp
Ám ảnh với sự ngăn nắp
Chúng ta thường hay hiểu lầm nỗi ám ảnh này với sự cầu toàn, nhưng những đặc điểm của nó cực đoan hơn rất nhiều. Thay vì cảm thấy rất hài lòng khi mọi thứ trong phòng đều ngăn nắp, thì ngược lại, bạn có thể cảm thấy cực kỳ khó chịu khi có gì đó hơi lệch cân đối một chút, và cần phải điều chỉnh cho đến khi cảm thấy “vừa mắt”.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Yêu cầu đồ vật hoặc nội thất hướng về một hướng cụ thể hoặc được sắp xếp theo một thứ tự cụ thể
- Yêu cầu các đồ vật (thực phẩm, đồ vật xung quanh nhà, v.v.) bằng phẳng hoặc đối xứng
- Lo lắng về việc cho đi/bỏ đi đồ dùng trong trường hợp chúng quan trọng hoặc lỡ sau này bạn cần chúng
Hành vi cưỡng chế là gì?
Hành vi cưỡng chế được hiểu là cách đáp trả về tinh thần hoặc thể chất đối với nỗi ám ảnh. Bạn có thể cảm thấy bản thân cần phải lặp đi lặp lại những hành vi này mặc dù bạn không thực sự muốn thực hiện chúng. Việc thực hiện những hành vi cưỡng chế này mang lại cảm giác nhẹ nhõm khỏi nỗi ám ảnh, nhưng cảm giác này thường chỉ là tạm thời.
Hành vi cưỡng chế có thể liên quan đến nỗi ám ảnh, như việc kiểm tra và khóa đi khoá lại cửa nhà nhiều lần trước khi đi làm để ngăn chặn đột nhập.
Trong những trường hợp khác, chúng có thể hoàn toàn không liên quan đến nỗi ám ảnh của bạn, chẳng hạn như hành động chạm vào tường trước khi ra khỏi nhà vì bạn cảm thấy điều đó giúp ngăn ngừa tai nạn trên đường đi làm.
Những hành vi cưỡng chế cũng được chia thành nhiều loại khác nhau.
Kiểm tra
Những hành vi cưỡng chế liên quan đến việc kiểm tra thường xuyên có thể bao gồm:
- Đảm bảo bản thân không thể làm tổn thương bất kỳ ai, ví dụ: bằng cách giấu đi những chiếc dao trong nhà
- Xem đi xem lại công việc của bạn để chắc chắn rằng bạn không mắc lỗi
- Đảm bảo các thiết bị đã tắt
- Đảm bảo cửa ra vào và cửa sổ đã được khóa
- Kiểm tra cơ thể thường xuyên để đảm bảo rằng bạn không có các triệu chứng bệnh
“Nghi thức” tinh thần
Các hành vi cưỡng chế trong mục này thường có:
- Cầu nguyện
- Đếm đến một con số cụ thể
- Lặp lại các từ hoặc các số trong một số lần nhất định
- Đánh số hoặc lập danh sách các việc cần làm
- Tự xem lại các sự kiện đã xảy ra trong ngày hoặc cuộc trò chuyện với người trước đó
Dọn sạch
Những hành vi cưỡng chế này có thể liên quan đến việc làm sạch môi trường hoặc cơ thể của bạn, chẳng hạn như:
- Rửa tay rất nhiều lần
- Tránh chạm vào đồ vật hoặc người khác để tránh ô nhiễm
- Cần phải tuân theo các nghi thức vệ sinh cụ thể mà hầu hết mọi người sẽ coi là quá mức
- Dọn dẹp nhà cửa hoặc môi trường làm việc nhiều lần
Lặp lại
Những hành vi cưỡng chế này có thể liên quan đến việc thực hiện mọi việc trong một số lần nhất định hoặc cho đến khi bạn cảm thấy thỏa mãn. Ví dụ:
- Chạm vào các bộ phận trên cơ thể nhiều lần, hoặc chạm theo một thứ tự cụ thể
- Chạm vào một món vật nhất định khi bạn vào phòng và rời khỏi phòng
- Xoay tất cả mọi đồ vật trong phòng theo cùng một hướng
- Sắp xếp mọi thứ theo một kiểu mẫu cụ thể (chẳng hạn như theo màu sắc cầu vồng)
- Thực hiện các chuyển động cơ thể một số lần nhất định, như chớp mắt ba lần
Một số hành vi cưỡng chế khác có thể là:
- Tìm kiếm sự trấn an từ bạn bè, các thành viên gia đình hoặc trong tôn giáo
- Cảm thấy cần phải thú nhận một số lỗi lầm nhiều lần
- Tránh các tác nhân hoặc bất kỳ tình huống nào có thể dẫn đến hành vi cưỡng chế
Nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế kết hợp với nhau thế nào?
Nhìn chung, hầu hết những người mắc chứng OCD đều có những ý nghĩ ám ảnh, rồi cảm thấy buộc phải thực hiện một hành động để giúp giảm bớt lo lắng hoặc căng thẳng liên quan đến nỗi ám ảnh đó.
Nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế thường có liên hệ với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng vậy.
Dưới đây là một số ví dụ về mối liên hệ này ở trong đời thật. Bạn hãy lưu ý rằng mỗi người bị OCD đều trải qua các tình trạng sức khỏe tinh thần khác nhau. Mặc dù những ví dụ này không phải đầy đủ các trường hợp, nhưng bảng dưới đây nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế, cũng như cách chúng liên quan đến nhau.
Nỗi ám ảnh | Hành vi cưỡng chế |
“Mình biết là mình thẳng vì mình chỉ thích phụ nữ. Mình còn có bạn gái nữa. Nhưng mà lỡ mình cũng thích đàn ông thì sao? | Tìm kiếm hình ảnh những anh chàng điển trai trên mạng và dành nhiều thời gian để xem mình có cảm thấy thích không. |
“Lỡ nửa đêm mình đang ngủ mà em bé trong nhà đột nhiên không thở được thì sao?” | Đặt chuông báo thức mỗi 30 phút xuyên suốt đêm để trông em bé. |
“Văn phòng này bẩn quá. Nếu mình đụng vào gì mình sẽ mắc bệnh mất.” | Rửa tay ba lần mỗi lần chạm vào gì đó. |
“Lỡ mình quên cái gì quan trọng thì sao?” | Lưu trữ tất cả giấy tờ nhận được, kể cả khi thông tin quá hạn hay không sử dụng được nữa |
“Nếu mình không chạm bàn chân vào đằng sau mỗi chân ghế 12 lần thì bố sẽ gặp tai nạn mất.” | Làm đúng như thế, thậm chí làm lại từ đầu nếu lỡ có đếm sai |
“Nếu mình nhìn đồng hồ lúc chuyển giờ từ 11:59 sang 12:00, thế giới sẽ bị huỷ diệt.” | Giấu hết đồng hồ ở trong nhà đi, cố gắng không bao giờ nhìn vào đồng hồ kể cả trên điện thoại |
Nỗi ám ảnh có thể tồn tại mà không đi kèm hành vi cưỡng chế không?
Mặc dù chúng ta thường chỉ nghĩ đến những nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế ở những người mắc chứng OCD, nhưng có một biến thể OCD ít được biết đến hơn, được gọi là “Pure O” (tạm dịch là “Thuần O”). Cái tên này xuất phát từ việc chứng này chỉ liên quan đến những nỗi ám ảnh (Obsessions).
Mặc dù Hội Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần đã thừa nhận rằng một người có thể bị ám ảnh mà không có các hành vi cưỡng chế, và ngược lại, “Thuần O” không được công nhận là một chẩn đoán chính thức. Các chuyên gia tin rằng những người có chứng này nhìn chung vẫn có các hành động cưỡng chế liên quan đến “nghi thức” tinh thần, chỉ là những hành vi này khác với các hành vi cưỡng chế điển hình.
Những người mắc chứng “Thuần O” thường có những suy nghĩ về:
- Việc làm tổn thương bản thân hoặc người khác
- Các hoạt động tình dục, đặc biệt là những hành vi mà được cho là sai trái, vô đạo đức hoặc có hại cho người khác
- Việc báng bổ hoặc tôn giáo
- Những thứ khó chịu về người yêu của mình và những người khác
Bạn có thể lo lắng rằng nếu mình tiếp tục hành động theo những suy nghĩ này thì sẽ khiến bản thân trở thành người xấu. Tuy nhiên, những suy nghĩ này thật sự có thể chỉ là một phần của hành vi cưỡng chế. Chúng chỉ không phổ biến như những hành động mọi người thường biết đến thôi.
Việc dành thời gian theo dõi những suy nghĩ của bản thân để hiểu chúng và tự trấn an mình cũng rất bình thường. Bạn còn có thể cầu nguyện hoặc lặp lại một số cụm từ khác nhau để loại bỏ các hình ảnh hoặc suy nghĩ ra khỏi đầu mình.
Khi nào ta nên tìm đến sự giúp đỡ?
Bất kỳ ai cũng có thể trải qua những thời kỳ tinh thần không ổn định, khi ta có những suy nghĩ rất ám ảnh hoặc thôi thúc làm một số hành động mà mình không thể giải thích được. Nhìn chung thì những nỗi ám ảnh và các hành vi cưỡng chế chỉ là biểu hiện của OCD khi chúng:
- Chiếm một phần đáng kể trong ngày của bạn
- Đến một cách không mong muốn
- Ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ của bạn
Hãy lưu ý rằng chỉ vì bạn cảm thấy cần phải dọn dẹp nhiều vì bạn thích dọn dẹp và thích ngăn nắp, không có nghĩa là bạn có dấu hiệu bị OCD. Bạn đơn giản chị thích hoạt động này và tự hào về bản thân khi đạt được kết quả mong muốn thôi.
Trong trường hợp này, bạn có thể mắc OCD nếu luôn lo sợ rằng con cái mình có thể sẽ mắc bệnh nghiêm trọng nếu nhà bạn không sạch không tì vết. Việc lo lắng dai dẳng này sẽ khiến bạn dọn dẹp hằng giờ mỗi ngày, và sau đó vẫn nghi ngờ rằng mình còn chỗ chưa dọn để rồi lau lại nhà một lần nữa.
Nếu bạn có bất cứ triệu chứng OCD nào, bạn nên tìm đến nói chuyện với chuyên gia tâm lý. Các nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định những nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế này và bắt đầu giải quyết chúng một cách hữu ích để giảm tác động của chúng lên cuộc sống của bạn.
Dịch từ: https://www.healthline.com/health/obsession-vs-compulsion#when-to-seek-help
—
Dịch giả: