Lớn lên ở vùng quê bao quanh là những rừng cao su bạt ngàn, hồi đó những nghề mà tôi biết là giáo viên, bác sĩ, công nhân, thợ cạo mủ cao su. Năm 2008, tôi đến Sài Gòn, thành phố có 13 triệu dân ở miền Nam Việt Nam, và tôi biết có nhiều nghề nghiệp hơn tôi từng biết.
Mối quan tâm của tôi đối với Tâm lý học bắt đầu từ năm 2015 khi tôi bắt đầu là Chuyên gia Giáo dục & Phát triển Thanh niên cho một tổ chức tên Dale Carnegie. Trách nhiệm của tôi là tư vấn cho những bạn trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, kỹ năng xã hội và lựa chọn nghề nghiệp. Trong số những khách hàng tôi gặp, nhiều người có vấn đề về sức khỏe tâm thần và lúc đó tôi không biết làm thế nào để hỗ trợ họ. Điều này khiến tôi bắt đầu theo đuổi bằng Cử nhân Tâm lý học vào năm 2015 ở Đại học Khoa học Xã Hội Nhân Văn TpHCM.
Khi tôi bước vào năm thứ 2 của chương trình cử nhân tâm lý, một căn bệnh ập đến gần như chấm dứt mọi nỗ lực học tiếp của tôi. Tôi không thể đi lại bình thường, tất cả các khớp trong người tôi đều đau đớn khi tôi cử động. Tôi đi khắp các bệnh viện cho tới khi được chẩn đoán chính xác là tôi mang căn bệnh tự miễn (autoimmune disease). Nhìn lại 2015 – 2018, tôi tự hào về bản thân mình. Tôi làm việc 40 giờ mỗi tuần tại ngân hàng, và đến lớp từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối các ngày trong tuần, trong tình trạng sức khỏe yếu và đi lại khó khăn, và có những ngày tôi phải nhờ bạn bè dìu vào lớp học. Tôi vẫn tự nuôi sống được tôi và đi học trong những ngày ấy. Tôi tự hỏi, sức mạnh kỳ diệu nào đã khiến tôi bước đi chậm chạp mỗi ngày và không dừng lại? Đó là Tình yêu học tập và mong muốn trở thành một nhà trị liệu tâm lý.
Trước khi quyết định theo đuổi bằng Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng, tôi đã có mười năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Vai trò gần nhất của tôi là Tư vấn Nhân sự tại Citibank Việt Nam. Tôi có một công việc tốt trong tổ chức tài chính danh tiếng nhất thế giới và thu nhập tốt, nhưng tôi cảm thấy mình muốn một thứ khác. Tôi tham gia một số hoạt động liên quan đến tâm lý học ngoài thời gian văn phòng. Tôi viết và dịch một số bài báo về tâm lý học để nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm thần. Tôi tham gia tình nguyện trong một số dự án cộng đồng để áp dụng kiến thức tâm lý học để giúp đỡ những người tham gia. Một trong những dự án tên “Explore More” của Girl Rising (NGO), trong đó tôi tham gia với huấn luyện cho thanh thiếu niên về giáo dục cảm xúc. Tôi cũng là Mentor trong chương trình “Future For Women” do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ để hỗ trợ những phụ nữ trẻ khao khát trở thành doanh nhân. Tôi làm thực tập sinh tại Bệnh viện Nhi, nơi tôi hỗ trợ can thiệp theo nhóm cho trẻ rối loạn phát triển và tự kỷ. Tôi thấy mình hạnh phúc và hài lòng trong các hoạt động này và sự hài lòng mãn nguyện đó theo tôi lâu dài. Một buổi chiều trong thời gian thực tập tại bệnh viện, tôi đang dạy cho những đứa trẻ gặp khó khăn trong phát âm. Sau 20 phút nỗ lực của tôi, đứa trẻ chỉ có thể phát âm từ “ei”. Ngày hôm đó, trên đường bước ra khỏi phòng can thiệp, tôi nhận ra rằng những người sống chung với các vấn đề về tâm thần thật khổ sở, nhiều khi còn khổ sở hơn cả cơn đau thể lý. Tôi cảm nhận sâu sắc Tiếng gọi của cuộc đời mình, một mục đích, để trở thành một nhà trị liệu tâm lý.
Đại dịch Covid đã cho tôi quyết tâm cao để mở ra một nơi mà khi người khác cần được lắng nghe, hỗ trợ tâm lý, họ có thể tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Tôi rất biết ơn khi nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện và không giới hạn từ bạn đồng hành, người luôn khuyến khích tôi ước mơ lớn và sống dũng cảm. Ngày càng có nhiều người ở Việt Nam tìm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý do căng thẳng về cảm xúc và kiệt sức do đại dịch covid-19 gây ra. Năm 2019, tôi thành lập – Tranquil Psychology Consulting – qua đó tôi kết nối các nhà tư vấn với những người có nhu cầu. Mạng lưới này cho phép tôi chia sẻ kiến thức tâm lý học ứng dụng dưới dạng hội thảo, bài báo và podcast đến cho cộng đồng. Dự án này đã khiến tôi nhận ra nhu cầu ngày càng tăng và cấp thiết về chăm sóc sức khỏe tâm thần có chất lượng trong Xã hội Việt Nam.
Tôi bắt đầu có nhiều khách hàng hơn và Tiếng gọi của tôi trở nên rõ ràng hơn qua mỗi phiên tôi thực hiện. Tôi tự tin hơn khi tư vấn sau những ca thành công và được khách hàng phản hồi tích cực. Thực hành nghề mở ra những đòi hỏi liên tục về năng lực tham vấn và cập nhật kiến thức khoa học. Bắt đầu từ những trường phái trị liệu như CBT, Hệ thống gia đình, Phân tâm, tôi tham gia các chương trình đào tạo về các trường phái sử dụng rộng rãi ở Châu Âu như Schema Therapy, ACT, DBT, Positive Psychology. Tất cả những công việc tôi trải qua trong 10 năm qua đã trang bị cho tôi khả năng quan sát, năng lực giao tiếp, cách nhìn cuộc sống sắc bén và sự quan tâm chân thành.
Tôi đến Hà Lan để theo học Thạc sĩ Tâm lý Trị liệu, hành trình này đã mở ra những chân trời to lớn và giúp tôi phát triển về mặt học thuật cũng như nghề nghiệp. Tiếp cận mạng lưới học thuật toàn cầu đã giúp tôi có các nguồn lực và kiến thức thực tế mà tôi cần để tạo ra ảnh hưởng. Một số kinh nghiệm quý giá mà tôi có được trong suốt khóa học Thạc sĩ là ứng dụng thực tiễn của tâm lý vào đời sống, thực hành ca dưới sự giám sát của các nhà trị liệu giàu kinh nghiệm, khả năng làm việc trên chính mình sau mỗi phiên trị liệu. Những điều tôi luôn trăn trở là làm thế nào để “phương Đông hoá” các phương pháp, hệ thống trị liệu Tây phương vào xã hội Việt Nam, và làm sao để cộng đồng cởi mở hơn với tham vấn – trị liệu.
Là một nhà tâm lý học hiệu quả không chỉ là một nghề nghiệp đối với tôi, đó là một “Tiếng gọi”. Tiếng gọi đó tiếp thêm cho tôi năng lượng để tốt hơn 1% mỗi ngày, và kim chỉ nam để thực hành nghề bằng cái tâm, sự tử tế và khoa học.