Tranquil

Nếu thực tế tàn khốc hơn chúng ta nghĩ thì sao?

Nhớ lại những ngày tháng tôi còn chìm đắm trong trầm cảm, đó là những ngày tháng đáng sợ và dường như kéo dài vô định. Chỉ việc thức dậy mỗi sáng cũng đủ làm tôi áp lực. Một trạng thái hỗn loạn, lo lắng và tiêu cực bên trong về tương lai đã làm một con người tích cực và lạc quan như tôi cũng phải sụp đổ. Tôi cảm thấy tâm trí mình đột nhiên lại vô cùng yếu đuối và rối bời. Tôi không còn nhận ra mình và tự hỏi điều gì khiến một con người vui vẻ lúc xưa thành ra nông nỗi này.

Lý do tôi trải qua trầm cảm là một cuộc chia tay. Nhưng nguyên nhân chính không phải là do tôi phản ứng với việc chia tay mà là vì tôi nhận ra rằng người mà tôi đã tin rằng yêu thương tôi, thân thiết nhất với tôi và hứa sẽ ở bên cạnh tôi mãi mãi, hóa ra lại chỉ là một người xa lạ hờ hững với nỗi đau của tôi. Tôi phát hiện ra rằng con người giàu tình yêu thương kia chỉ là một ảo tưởng. Quá khứ trở nên vô nghĩa, và tương lai đối với tôi chẳng còn. Chính thế giới này cũng đã không còn đáng tin cậy nữa.

Khi gặp trầm cảm, tôi nhận thấy thái độ của người khác thay đổi rõ rệt. Trầm cảm không được thông cảm trong xã hội này, và tôi nhận ra rằng những người xung quanh tôi có 2 chiều hướng phản ứng. Một nhóm người muốn giúp tôi, bảo tôi rằng hãy giữ bình tĩnh hoặc đề nghị tôi tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia. Nhóm khác thì lại xa lánh tôi. Nhìn lại thì, tôi hiểu phản ứng này: dù sao thì, tôi đã trở nên hoài nghi, bất khả tri và bi quan, và tôi cũng chẳng để ý mình có cư xử lịch sự hay không.

Mặt khác, tôi đã tìm hiểu sâu hơn về nỗi khổ đau thực sự của người khác. Trong cơn trầm cảm, tôi đã tìm hiểu về mặt tối của thế giới, điều mà trước đây tôi chưa hề đụng tới. Tôi không còn có thể phớt lờ những khổ đau và ảo tưởng nữa, và tôi đã mở ra ánh nhìn mới về một thực tế khó chịu. Trải nghiệm của tôi không phải là duy nhất, nhưng về khía cạnh nào đó, nó lại mạnh mẽ hơn bình thường vì ngoài việc là một người bình thường đối mặt với một cuộc chia tay thảm hại, tôi còn là một triết gia. Là một triết gia, tôi biết rằng những điều hiển nhiên sẽ thường ẩn chứa một sự thật khác xa, và do đó cần phải được phân tích đánh giá nghiêm túc. Vì vậy, theo kinh nghiệm của mình, tôi lại đặc biệt nghi ngờ sự tương quan giữa tâm trạng tích cực và sức khỏe, cũng như tâm trạng tiêu cực và những méo mó. Có lẽ nào, trong cơn trầm cảm tột cùng, cuối cùng tôi đã nhìn thấu được bản chất của thế giới này?

Trước kia, tôi đã từng rất bối rối khi người cố vấn Tiến sĩ của tôi, nhà triết học Alenka Zupančič tại Học viện Khoa học và Nghệ thuật Slovenia, cho rằng nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc thường thấy chính là một hệ tư tưởng phũ phàng. Tại sao mong muốn biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn lại sai lầm hay phũ phàng được?

Tuy nhiên, sau khi quan sát bản thân, tôi lại đồng ý với cô ấy. Hãy thử quan sát xung quanh và bạn sẽ nhận thấy rằng chúng ta luôn tìm kiếm một hạnh phúc vĩnh viễn từ bản thân và người khác. Xu hướng tôn sùng hạnh phúc quá mức cũng có nghĩa là sự kì thị dành cho những điều đối lập với hạnh phúc – đó là sự đau khổ về cảm xúc như trầm cảm, lo âu, đau buồn hoặc thất vọng. Chúng ta cho rằng nỗi đau về mặt cảm xúc là một sự sai lầm và là một vấn đề, một sự méo mó cần được loại bỏ, hay một bệnh lý cần được trị liệu. Những gì mang nét buồn đều sẽ bị bài trừ.

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ định nghĩa trầm cảm là “một căn bệnh y tế phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận, suy nghĩ và hành vi”. Chính thuật ngữ này khiến người gặp trầm cảm bị kỳ thị và ngụ ý rằng, họ cần phải được chữa khỏi. Thật khó để biết được liệu các nhà trị liệu và cơ sở y tế là người đang áp đặt lối tư duy này hay chính họ cũng đang bị ảnh hưởng bởi những hình mẫu truyền thống phổ biến. Dù thế nào đi nữa, hầu hết các liệu pháp ngày nay đều nhằm mục đích loại bỏ những tâm trạng tiêu cực.

Nếu thực tế thật sự tồi tệ và, khi gặp trầm cảm, chúng ta rũ bỏ được những ảo tưởng mà trước giờ luôn che mắt ta khỏi thực tế thì sao?

Liệu pháp phổ biến nhất để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực là Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), ban đầu được sáng chế nhằm trị liệu trầm cảm và lo âu. Liệu pháp này dựa trên mô hình nhận thức của bệnh tâm thần, được phát triển đầu tiên bởi bác sĩ tâm thần người Mỹ Aaron Beck vào cuối những năm 1960, với tiền đề cho rằng trầm cảm là do một kiểu suy nghĩ tiêu cực, được gọi là “suy nghĩ gây trầm cảm” gây ra. Khi trải qua trầm cảm, chúng ta có xu hướng thấy mình bất lực, cam chịu, không đáng được yêu thương, thiếu sót, vô dụng, đáng trách và bị người khác từ chối. Thế giới quan tiêu cực này có thể được minh họa qua những câu như “Tôi thật vô dụng và xấu xí”, “Chẳng có ai coi trọng tôi”, “Tôi vô vọng vì mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi”, và “Mọi thứ chỉ sẽ trở nên tồi tệ hơn” Beck cho rằng trong cơn trầm cảm này, chúng ta có các kiểu suy nghĩ “méo mó” và vô ích. Các nhà trị liệu CBT được đào tạo để phát hiện và phá vỡ suy nghĩ méo mó đó để mang chúng ta đến với những kết quả viên mãn.

Trong thời gian trải qua trầm cảm, vì lời khuyên của những người bạn còn lại của mình, tôi đã tìm đến một nhà trị liệu CBT. Tuy vậy, tôi vẫn chưa được chữa lành hoàn toàn và vẫn thấy mình đầy suy nghĩ “gây trầm cảm”. Cảm nhận của tôi về liệu pháp này rất đa dạng, từ mong muốn tin tưởng vào bản thân và sự chăm sóc của bác sĩ trị liệu cho đến sự nổi giận với mong muốn này. Tôi có cảm giác họ chỉ đang để tôi nghe điều mà tôi muốn nghe, như một đứa trẻ cần được an ủi bằng một câu truyện vui trước lúc ngủ để thoát khỏi thực tế phũ phàng bủa vây. Suy nghĩ gây trầm cảm rất khó chịu và thậm chí là không thể nào chịu đựng được, nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng là những hình ảnh đã bị làm cho méo mó của thực tế. Nếu thực tế thật sự tồi tệ và trong khi trầm cảm, chúng ta đã đánh mất những ảo tưởng luôn che mắt chúng ta khỏi hiện thực thì sao?

Xem bài viết  Vượt qua nỗi tuyệt vọng

Ngược lại, nếu suy nghĩ tích cực mới là sự hiểu biết lệch lạc về thực tế thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu, khi tôi gặp trầm cảm, tôi lại khám phá ra điều mà tôi chẳng thể nào tìm ra nếu tôi không chịu trả một cái giá đắt như việc gặp phải trầm cảm? Sẽ ra sao nếu đó là sự sụp đổ của những ảo tưởng – sự sụp đổ của suy nghĩ phi thực tế – và một cái nhìn thoáng qua về thực tế tàn khốc đã mang đến nơi tôi nỗi lo âu đó? Nếu khi trầm cảm, chúng ta lại thực sự nhìn nhận được hiện thực một cách chính xác hơn thì sao? Nếu cả nhu cầu hạnh phúc và nhu cầu liệu pháp tâm lý để trị liệu trầm cảm của tôi đều là kết quả của cùng một loại ảo tưởng thì sao? Và nếu cái gọi là tiêu chuẩn vàng của liệu pháp chỉ là một thứ khoa học giả tạo được sinh ra để an ủi thì sao?

Tâm lý học hiện đại đã nhận ra rằng những cách nghĩ thường ngày luôn có một thiên hướng rõ ràng dựa trên một số méo mó. Nhưng sự nhận thức này lại tồn tại bên trong những suy luận tích cực. Nói ngắn gọn thì, đại chúng chỉ xem những ảo tưởng tầm thường kia là lành mạnh, miễn là chúng không làm ngắt đi dòng chảy tích cực.

Ý tưởng hiện tại về những ảo tưởng tích cực lần đầu xuất hiện vào những năm 1980 trong một tài liệu của nhà tâm lý học Shelley Taylor ở Đại học California, Los Angeles, và Jonathon Brown ở Đại học Hội Giám lý miền Nam. Ảo tưởng tích cực là những thiên hướng phổ biến về nhận thức dựa trên những ý tưởng có lợi không thực tế về bản thân, người khác, hoàn cảnh và thế giới xung quanh. Các loại ảo tưởng tích cực bao gồm lạc quan phi thực tế, ảo tưởng về khả năng kiểm soát và ảo tưởng về ưu thế khiến chúng ta đánh giá quá cao khả năng và phẩm chất của mình trong mối quan hệ với người khác. Nghiên cứu này đến nghiên cứu khác liên tục chỉ ra rằng những ảo tưởng như vậy cực kì phổ biến. Khoảng 75-80% mọi người tự đánh giá bản thân ở mức trên trung bình ở hầu hết các thông số: về khả năng học tập, hiệu quả công việc, khả năng miễn nhiễm với thiên hướng, hạnh phúc trong quan hệ, chỉ số IQ. Tuy nhiên, các định luật toán học tàn nhẫn lại bảo chúng ta rằng đây là một ảo tưởng – vì về bản chất thì tất cả đều không thể ở trên mức trung bình.

thực tế trầm cảm

Gốc rễ của xu hướng tích cực thời hiện đại này có thể được tìm thấy trong những tôn giáo có từ quá khứ, vốn đã từng chỉ dẫn cho cuộc sống con người và truyền đạt quan niệm về sự cứu rỗi, đưa ra một bức tranh vững chắc về thế giới với một kết thúc luôn có hậu. Trong thế giới trần tục của chúng ta, tâm lý học lấp đầy khoảng trống do tôn giáo để lại, giúp chúng ta giải thích và mang lại hy vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, việc thay thế tôn giáo bằng tâm lý học vẫn giữ nguyên vẹn nhiều đặc điểm của truyền thống Cơ đốc giáo. Vai trò của một cố vấn hay nhà trị liệu, và nhu cầu tìm đến họ của chúng ta, có nhiều điểm tương đồng đối với vai trò của một mục sư và truyền thống xưng tội. Cả cố vấn và mục sư đều là những nhân vật có quyền chỉ ra vấn đề ở bạn và cho bạn biết cách sửa chữa. Nhà triết học người Pháp Michel Foucault (1926-1984) đã nghiên cứu ra liên hệ của liệu pháp tâm lý với hoạt động của các mục sư (mục vụ), giải thích thêm về ý tưởng cho rằng mục tiêu tôn giáo ban đầu của mục vụ là đưa con người đến sự cứu rỗi.

Học giả đương thời người Đan Mạch Anders Dræby Sørensen chỉ ra rằng những khát vọng hiện đại của chúng ta là để trút bỏ những đau khổ và âu lo, và quan trọng nhất, để khám phá kiểu hạnh phúc mà, dù ít hay nhiều, dựa trên những quan niệm tôn giáo về sự giải thoát khỏi bể khổ hồng trần để chạm đến thiên đường. Trong thế giới trần tục, sự cứu rỗi trở thành một nhiệm vụ bắt buộc trong cuộc sống trần thế của chúng ta. Thiên đường không chỉ xoay quanh một cảnh giới siêu việt, mà còn là về việc đạt được niềm hạnh phúc mỹ mãn và chuyển đổi chính Trái đất thành Thiên đường ngay bây giờ.

Bên cạnh tôn giáo và sự trị liệu tâm lý liên quan, triết học có thể được coi là dị giáo. Thân chủ nhiều vấn đề nhất có thể sẽ là triết gia người Đức Arthur Schopenhauer (1788-1860), nổi tiếng với quan điểm rằng đau khổ là không thể tránh khỏi và là một phần quan trọng trong sự tồn tại của con người. Schopenhauer cho rằng không có ý nghĩa hay mục đích nào cho sự tồn tại, và rằng cuộc sống được vận hành bởi một nỗ lực vô định mà không bao giờ có thể được hoàn thành. Ông làm đảo lộn thế giới quan tích cực của chúng ta – phương thức tồn tại cơ bản thông thường của chúng ta không phải là một hạnh phúc mà đôi khi lại bị ngắt đi bởi những khổ đau. Thay vào đó, bản thân cuộc sống là một bể khổ cùng cực với vô vàn tang tóc. Cuộc sống sẽ chẳng bao giờ tốt đẹp hơn, Schopenhauer tuyên bố: “Hôm nay tồi tệ, và ngày mai sẽ tệ hơn …” Ông cho rằng sự nhận thức chỉ làm cuộc sống con người tệ hơn, bởi vì những sinh vật nhận thức càng cao thì lại càng nhạy cảm hơn với nỗi đau, cũng như biết ngờ vực ý nghĩa tồn tại của chính mình. “Sẽ có người bảo tôi … rằng triết lý của tôi thật khó chịu – bởi vì tôi nói sự thật; và mọi người chỉ thích nghe những lời lẽ cho rằng mọi việc Chúa làm ra đều tốt đẹp,” ông viết trong bài tiểu luận “Trong những khổ đau của thế giới” (1851). “Nếu có ai bảo vậy, tôi sẽ bảo họ hãy đến gặp các thầy tu, và xin đừng bao giờ tìm đến những triết gia.”

Đối với Freud, mục tiêu là giúp thân chủ chấp nhận và suy ngẫm về cuộc sống tàn khốc

Nhà triết học người Đức Martin Heidegger (1889-1976) cũng có những suy nghĩ tương tự. Ông gọi lo lắng là một phương thức tồn tại cơ bản của con người, giúp phân biệt giữa cách tồn tại đích thực và không đích thực của con người. Chúng ta hầu như đều tồn tại một cách không đích thực trong cuộc sống hàng ngày của mình, chúng ta chìm đắm trong những công việc, những rắc rối và lo lắng thường ngày để nhận thức về sự tồn tại rỗng tuếch và vô nghĩa của mình bị lấn át bởi những tiếng ồn của cuộc sống. Chúng ta đi làm, nuôi con, duy trì các mối quan hệ, dọn dẹp nhà cửa, đi ngủ và lặp lại. Thế giới xung quanh chúng ta dường như có ý nghĩa, và thậm chí còn vô cùng ý nghĩa. Nhưng cuộc sống đích thực chỉ được phơi bày trong nỗi lo âu. Sau đó, chúng ta sẽ có thể tự ý thức được và bắt đầu suy nghĩ tự do, từ chối cái ảo tưởng tầm thường mà xã hội áp đặt. Đối với Heidegger, lo âu là một tâm trạng đúng đắn trong triết học.

Xem bài viết  Cách Để Chuyện Trò Cùng Một Người Bạn Có Ý Định Tự Tử

Nhà tư tưởng người Na Uy Peter Wessel Zapffe (1899-1990) còn đưa chủ nghĩa bi quan của triết học đi xa hơn. Ông nói rằng, ý thức của con người đã bị phát triển quá mức một cách bi kịch, dẫn đến nỗi đau tồn tại. Trong tiểu luận ‘The Last Messiah’ (1933), Zapffe gọi nó là “một nghịch lý sinh học, một sự ghê tởm, một sự phi lý, một sự phóng đại của bản chất tai hại”. Con người đã tạo ra một nhu cầu không thể nào đáp ứng được, vì chính bản chất là vô nghĩa; Ông lập luận rằng để tồn tại, nhân loại phải lược bớt sự dư thừa của nhận thức tai hại này. Đây là “một yêu cầu cho khả năng thích nghi xã hội và cho thứ được gọi là cuộc sống lành mạnh và bình thường”.

Zapffe đã đề xuất 4 cơ chế bảo vệ thường gặp mà loài người đã phát triển:

  • cô lập, bao gồm sự kìm nén những suy nghĩ và cảm xúc phiền toái và tiêu cực;
  • hy vọng bám víu, hay sự thiết lập những ý nghĩa và lý tưởng vĩ đại hơn. Những ví dụ về sự bám víu mà ông đưa ra là: “Chúa, Giáo hội, Nhà nước, đạo đức, vận mệnh, quy luật cuộc sống, dân tộc, tương lai”. Sự bám víu này cho chúng ta những ảo tưởng bảo toàn một tâm lý dễ chịu. Điểm yếu của hy vọng bám víu là sự tuyệt vọng gây ra một khi chúng ta phát hiện ra rằng cơ chế bám víu của mình thực sự chỉ dựa trên ảo tưởng;
  • sự phân tâm, tức sự tập trung suy nghĩ và năng lượng của mình vào một ý tưởng hay một công việc nào đó để tâm trí bận rộn và không thể nghĩ về bản thân mình;
  • thăng hoa, một loại cơ chế bảo vệ mà trong đó, những thúc đẩy tiêu cực được chuyển hóa thành những hành động tích cực hơn. Lấy ví dụ, chúng ta tách mình khỏi sự tồn tại bi kịch và chuyển đổi nhận thức của mình thành triết học, văn học và nghệ thuật.

Cha đẻ của phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) cũng như các triết gia, ông không ủng hộ tôn giáo, và tuyên bố rằng mục đích của tôn giáo là để thỏa mãn nhu cầu cảm xúc trẻ con. Ông nói với đồng nghiệp Sándor Ferenczi của mình rằng: “Thuốc thần kinh chỉ là một thứ dở hơi, nó chỉ mang đến tiền bạc cho chúng ta cũng như giúp chúng ta học hỏi từ các ca mắc: phân tâm học có thể chỉ là một liệu pháp vô giá trị. Freud không tỏ ra lạc quan vào kết quả của trị liệu tâm lý, và miễn cưỡng hứa rằng kết quả sẽ mang đến hạnh phúc. Trong Các nghiên cứu về chứng cuồng loạn (1895), ông đã cam đoan rằng phân tâm học có thể biến nỗi khổ cuồng loạn thành một “nỗi bất hạnh chung”. Đối với Freud, mục đích là để giúp các thân chủ chấp nhận và suy ngẫm về một cuộc sống tàn khốc. Không phải là cuộc sống nào khác, mà là chính cuộc sống nơi đây trên Trái đất này.

Mặc dù theo hướng tích cực, lý thuyết tâm lý học có một nhánh mang trọng tâm xoay quanh lối triết học bi quan được chính Freud chấp nhận. Với tên gọi “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm”, ban đầu nó được đề xuất bởi các nhà tâm lý học Mỹ Lauren AlloyLyn Yvonne Abramson trong một tờ báo với phụ đề “Tối tăm mà lại Sáng suốt hơn?” (Sadder but Wiser) (1979). Các tác giả trên đều cho rằng thực tế luôn minh bạch hơn qua lăng kính của người trầm cảm.

Alloy từ Đại học Temple ở Pennsylvania, và Abramson, đến từ Đại học Wisconsin-Madison, đã thử nghiệm giả thuyết này bằng cách đo lường sự ảo tưởng kiểm soát. Sau khi phỏng vấn một số sinh viên, họ chia các sinh viên đó thành các nhóm trầm cảm và không không trầm cảm. Mỗi sinh viên được lựa chọn có nhấn nút hay không, và nhận được một trong hai kết quả: đèn xanh hoặc không có đèn xanh. Cuộc thử nghiệm đã cho thấy các sinh viên có những mức độ kiểm soát khác nhau thông qua việc ấn nút, từ 0 đến 100%. Sau khi hoàn thành các bài kiểm tra, họ được yêu cầu so sánh mức độ kiểm soát mà họ trả lời với kết quả thực tế nhận được, tức số lần đèn xanh bật lên do hành động của họ. Hóa ra, những sinh viên mang nhiều buồn bã hơn lại sáng suốt hơn, họ đã đánh giá chính xác hơn mức độ kiểm soát của mình. Alloy và Abramson kết luận rằng những sinh viên mang nhiều buồn bã ít ảo tưởng về khả năng kiểm soát hơn, và do đó, họ thể hiện nhận thức về hiện thực cao hơn. Mặt khác, những sinh viên không trầm cảm đã tự đánh giá quá cao mức độ kiểm soát của mình, và cũng vì vậy, họ đã tự lừa dối để nâng cao lòng tự tôn của mình.

Giả thuyết “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm” vẫn còn gây tranh cãi vì nó có nhiều mâu thuẫn với các nguyên lý của CBT, vốn khẳng định rằng người trầm cảm có nhiều suy nghĩ sai lệch và cần phải được chữa lành để trở nên thực tế hơn. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu tiếp theo đã ủng hộ cách nghĩ này. Ví dụ, nhà tâm lý học xã hội người Úc Joseph Forgas và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng nỗi buồn có thể giúp con người củng cố tư duy phản biện: nó giúp chúng ta giảm bớt sự thiên vị khi phê bình, cải thiện khả năng chú ý, tăng khả năng kiên trì và, về cơ bản, thúc đẩy một phong cách suy nghĩ ngờ vực, chi li và tập trung hơn. Mặt khác, tâm trạng tích cực có thể dẫn đến kiểu suy nghĩ rập khuôn và ít tìm tòi hơn. Những người hạnh phúc thường có xu hướng suy nghĩ rập khuôn và dựa vào những lý lẽ cũ kỹ giản đơn. Họ thường thả mình theo dòng chảy và dễ đưa ra các đánh giá xã hội sai lầm do ảnh hưởng của các thiên kiến.

Suy ngẫm trầm cảm là một cơ chế giải quyết vấn đề rất có ích cho khả năng phân tích

Các nhà nghiên cứu khác đã tìm hiểu về lợi thế của trầm cảm trong tiến hoá. Lấy ví dụ, Paul Andrews tại Đại học Virginia Commonwealth và J Anderson Thomson đến từ Đại học Virginia đã thách thức quan điểm y học phổ biến, xem trầm cảm như một rối loạn tâm lý cũng như chức năng sinh học, và cho rằng đúng hơn thì, trầm cảm chính là một khả năng thích nghi đã tiến hóa. Chức năng tiến hóa của trầm cảm là phát triển khả năng tư duy phân tích và hỗ trợ giải quyết các vấn đề phức tạp về tâm lý. Suy ngẫm trầm cảm giúp chúng ta tập trung giải quyết các vấn đề chúng ta đang nghiền ngẫm trong đầu.

Xem bài viết  Đừng để kỳ vọng thành thất vọng!

Giống như việc một cơn sốt có thể rất khó chịu dù nó vốn không phải là điều xấu, trầm cảm gây ra suy giảm chức năng cơ thể, ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống chẳng hạn như công việc, quan hệ xã hội hay đời sống tình dục. Tuy nhiên, dù gây khó chịu, những cơn sốt không phải là do cơ thể có vấn đề mà đúng hơn thì, nó lại là một cơ chế phòng thủ quan trọng của cơ thể. Những ảnh hưởng do cơn sốt gây ra là hệ quả hiển nhiên do các hệ thống trong cơ thể phải chống lại các vi sinh vật xâm nhập. Tương tự, suy ngẫm trầm cảm là một cơ chế giải quyết vấn đề giúp chúng ta tập trung và thúc đẩy khả năng phân tích các vấn đề nào đó.

Trong cuốn sách Daseinsanalysis (2008) của mình, bà Alice Holzhey-Kunz, một nhà phân tâm học người Thụy Sĩ hiện đại với khuynh hướng ủng hộ thuyết hiện sinh, đã xem xét sự phân biệt của Heidegger về hình thức sống đích thực và không đích thực. Bà tuyên bố rằng sự đau khổ về tinh thần báo hiệu một cuộc đương đầu thực tế với sự thật về sự tồn tại. Theo ý này thì, trầm cảm không hẳn là một rối loạn, mà là một sự vỡ mộng về những hư vô trong sự tồn tại của con người. Và theo đó, dạng tồn tại không đích thực kia cũng không thể là một bệnh lý chỉ vì nó phản bác lại nhận thức mạnh mẽ về sự tồn tại trong những hoạt động thường ngày và sự thiếu nhận thức thông thường.

Mặc dù sự trầm cảm kéo đến sau lần chia tay kia không nghiêm trọng đến mức mang đến nỗi đau tồn tại, nhưng đó chính là trải nghiệm mang lại thay đổi sâu sắc nhất đời tôi. Nó đã vĩnh viễn thay đổi và tổn thương con người tôi từ cốt lõi, và bây giờ, về tổng thể thì tôi luôn buồn bã và thu mình hơn so với trước đây.

Than ôi, nếu đây là cái giá phải trả cho việc rũ bỏ được những ảo tưởng và bắt đầu hành trình tìm vô tận về bản chất của thực tại thì sao? Có thể chúng ta sẽ làm được như vậy. Một số nghiên cứu cho rằng mức đau khổ tồn tại và khổ đau tinh thần đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong văn hóa phương Tây hiện đại. Lẽ này chúng ta mải đuổi theo hạnh phúc là vì nó vốn đã trở nên hão huyền?

Vòng luẩn quẩn mà chúng ta mắc vào, tức hành trình vô tận đuổi theo hạnh phúc và bản chất hảo huyễn của nó, chỉ làm tổn thương chúng ta nhiều hơn. Có lẽ lối thoát thực sự là chấp nhận khả năng nhận thức mới này của chúng ta. Trong những thẳm sâu buồn khổ, chúng ta cảm nhận được rằng những hạnh phúc hời hợt kia phần lớn đều không phải là cách giúp chúng ta tận hưởng cuộc sống. Sức khỏe tâm thần, tâm lý học tích cực và các phương thức trị liệu phổ biến như CBT đều mong chúng ta ngồi im và khuất phục trước những ảo tưởng của mình cho đến khi chết đi.

Cuối cùng, hỡi độc giả thân yêu của tôi, tôi muốn nói với bạn rằng, tôi hiểu được khi đọc bài viết này, hẳn bạn đã trải qua phản ứng kiểu như “Đúng, nhưng mà…”. (“Đúng, thực tế cuộc sống thật kinh khủng, nhưng vẫn tồn tại rất nhiều điều tốt đẹp.”) Chữ “nhưng” này là một phản ứng tự động mỗi khi chúng ta đối mặt với những hiểu biết tiêu cực, kinh khủng thế này. Một khi tiếp xúc với những hiểu biết tương tự, cơ chế bảo vệ tích cực của chúng ta sẽ hoạt động. Chính bản thân tôi cũng bị cuốn vào cơ chế đó khi đang đặt bút viết ra bài luận này (và chắc là sẽ luôn bị cuốn vào trong suốt quãng đời còn lại). Nếu không có biện pháp bảo vệ này, tất cả chúng ta có lẽ đã chết mất rồi, nhiều khả năng là tự tử để giải thoát.

Nếu có điều gì tôi muốn đề xuất thì đó là hãy khám phá thực tế tàn khốc và thoát ly khỏi sự tích cực để trải nghiệm cuộc sống theo cách mới, hy vọng là chúng ta sẽ không phải đầu hàng thực tại. Lần tới, trước khi bạn lao vào rượu chè, hay tìm đến những người thân yêu, bạn bè, nhà trị liệu tâm lý, hoặc bất kỳ phương pháp nào khác để động viên cho sự tồn tại của bản thân, hãy nhớ rằng hầu hết mọi việc có ý nghĩa – từ công việc đến thể thao, đến hành trình mở rộng trái tim để đến với Chúa – vốn dĩ đều là ảo tưởng. Một biện pháp thay thế cho sự trốn chạy khỏi thực tại bằng ảo tưởng là hãy khám phá một không gian không chứa những ảo tưởng trong thời gian lâu nhất có thể, để có thể tập luyện khả năng chịu đựng một thực tế vỡ mộng và khắc nghiệt hơn. Nếu thành công, bạn sẽ tự giải phóng bản thân khỏi sự lạc quan giả tạo và dai dẳng của mình.

Dĩ nhiên, cuối cùng, chúng ta có thể vẫn không thể thoát khỏi những khổ đau và ảo tưởng. Cuộc sống vốn là địa ngục, và có vẻ như không có thiên đường nào đang chờ đợi chúng ta chinh phục cả. Có khả năng chính điều này lại là một con đường để chúng ta tự giải thoát, vì suy cho cùng thì, chúng ta chẳng còn gì để mất.

Dịch từ: https://aeon.co/essays/the-voice-of-sadness-is-censored-as-sick-what-if-its-sane

Leave a Comment

Scroll to Top