Tranquil

Làm Thế Nào Để Cảm Thấy Tự Hào Hơn?

Trong 7 đại tội của con người, xét theo nhiều mặt, kiêu ngạo là tội lỗi xấu xa nhất. Khi niềm tự hào trở nên quá mức, nó sẽ nhấn chìm các đức tính như khả năng soi xét bản thân, tư duy phản biện, sự quan tâm đến cộng đồng, và ý thức về sự hữu hạn và sự không hoàn hảo của con người.

Tuy nhiên, cũng có những lý do chính đáng để chúng ta cảm thấy tự hào hơn. Niềm tự hào có tương quan thuận với sự hài lòng và hạnh phúc trong cuộc sống, và tương quan nghịch với trầm cảm và lo âu.

Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó, Albert Einstein không hề cảm thấy tự hào. Ở nơi đó, những lý thuyết của ông dường như được tạo ra một cách vô ích. Nếu không tự hào về thành tích của mình, liệu ông ấy có động lực để kiên trì nhằm đạt được nhiều điều hơn nữa không? Khám phá và sáng tạo chỉ là một mặt của sự thành công, chúng ta còn phải có niềm tin vào sự thành công của chính mình nữa.

Trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn biết vì sao bạn không nên sợ hãi sự tự hào, và cung cấp cho bạn những công cụ để trải nghiệm cảm giác ấy thường xuyên hơn. 

Điều bạn cần biết

Niềm tự hào (pride) và lòng tự trọng (self-esteem) là hai khái niệm khác nhau

Bài viết này không đơn thuần chỉ hướng dẫn cho bạn cách để cảm thấy tốt hơn về bản thân, đó là lòng tự trọng (self-esteem). Tự hào có thể được hiểu theo nghĩa hẹp hơn như là niềm vui mà một người cảm nhận được thông qua thành tích cá nhân hoặc tập thể. Bạn có thể tự hào về bản thân hoặc đội nhóm của mình vì đã giành chiến thắng trong một trò chơi. Nếu bạn yêu mến một đội hoặc một quốc gia mà bạn không phải là thành viên của họ, bạn cũng có thể cảm thấy tự hào gián tiếp thông qua thành tích của đội hoặc quốc gia đó. Lòng tự trọng thì chỉ thể hiện đánh giá chung về bản thân.

Tất nhiên, niềm tự hào và lòng tự trọng có quan hệ mật thiết với nhau. Một vài người trong chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều từ những thành công hoặc thất bại của mình, gây ra những biến động đáng kể đến lòng tự trọng. Hãy xem xét chứng rối loạn lưỡng cực, trước đây được gọi là rối loạn hưng cảm, với các giai đoạn tâm trạng thấp mãn tính xen kẽ với các giai đoạn năng lượng mạnh mẽ. Những người mắc rối loạn này có cảm giác đặc biệt không ổn định về bản thân. Đối với họ, một chiến thắng trần tục có thể gợi lên cảm giác tuyệt vời, trong khi một trận thua bình thường có thể gây ra cảm giác tồi tệ tàn khốc, kích hoạt một pha hưng cảm hoặc trầm cảm tương ứng.

Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều phát triển ý thức tự tôn bằng cách thống kê các chiến thắng và thất bại của bản thân. Ví dụ, tôi có thể cảm thấy tự hào khi chơi tốt một trận bóng rổ. Sau đó, nếu tôi tiếp tục chơi tốt, có khả năng tôi sẽ suy ra rằng mình là một cầu thủ bóng rổ giỏi, từ đó thúc đẩy lòng tự trọng của tôi. Về bản chất, một người không thể có lòng tự trọng cao nếu không trải qua niềm kiêu hãnh nhất thời.

Vì sao tự hào thường bị xem là tội lỗi hoặc ái kỷ một cách bất công

Về mặt văn hóa, các khái niệm về niềm tự hào và lòng tự trọng thường gắn liền với phong trào lòng tự trọng của những năm 1980 và 1990 do chính trị gia người California và nhà tâm lý học nghiệp dư John Vasconcellos dẫn đầu. Cơn sốt lòng tự trọng của thời đại đó đã châm ngòi cho các cuộc hội thảo, sách báo và chương trình, nhưng lại bị coi là một thất bại to lớn. Nhà báo Hoa Kỳ Jesse Singal đã viết trên tạp chí The Cut vào năm 2017 như sau: ‘Sự phấn khích về phong trào này được thúc đẩy bởi những “nghiên cứu” nhằm xác nhận lý thuyết của Vasconcellos rằng lòng tự trọng [thấp] là trung tâm của nhiều khó khăn cá nhân và xã hội. Tuy nhiên, chất lượng của nhiều nghiên cứu ấy lại không cao.’

Thật không may, khi cố gắng thuyết phục mọi đứa trẻ rằng chúng đặc biệt, họ đã cố gắng tạo ra một nền văn hóa mà không ai đặc biệt cả. Các nhà tâm lý học bao gồm Roy Baumeister đã chỉ ra rằng phong trào lòng tự trọng đã hiểu sai: lòng tự trọng cao nhân tạo chẳng phải là thuốc chữa bách bệnh. Nói cho đúng thì phải như nhà báo Singal đã viết, ‘rằng những người tài năng hơn, thông minh hơn hoặc thành công hơn sẽ có lòng tự trọng cao hơn vì những thuộc tính và thành tích tích cực của họ. ‘

Nói tóm lại, lòng tự trọng đích thực phải dựa trên những phẩm chất thực sự và sự đánh giá công bằng về điểm mạnh, điểm yếu và thành tích của một người. Trong thực tế, phong trào lòng tự trọng đã dần mất đi uy tín và là sức ảnh hưởng của nó.

Khi xem xét về sự tự hào, nhiều thân chủ của tôi kết luận rằng đó chính là ái kỷ. Họ kiêng kị việc cảm thấy tự hào vì sợ mình trở nên ngạo mạn và đánh giá quá cao khả năng của bản thân. Đặc biệt, đối với một người theo đạo Công giáo, sự kiêu hãnh còn ám chỉ một tính cách tội lỗi. Nếu lướt qua những trang mạng xã hội, bạn có thể sẽ bắt gặp vô số lời quảng bá bản thân của những người khác và cho đó là ái kỷ. 

Tuy nhiên, ái kỷ bệnh lý (chẩn đoán tâm thần chính thức là rối loạn nhân cách ái kỷ) không giống với tự hào. Ái kỷ có liên quan đến cảm giác tự xem trọng bản thân quá mức. Ví dụ, một người ái kỷ sẽ không cảm thấy tự hào về bản thân vì đã đạt điểm A trong một kỳ thi. Họ cảm thấy tự hào về bản thân vì cho rằng mình là người thông minh nhất tại bất kỳ nơi đâu mà họ có mặt. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy tự hào về một thành tích mà không cần khái quát hóa quá mức giá trị của mình. Ví dụ: mặc dù bạn biết rằng mình học giỏi toán, nhưng bạn vẫn nhận thức được những khó khăn của mình trong môn tiếng Anh. Tự hào thái quá có thể bị gán mác là ái kỷ, tuy nhiên, dạng tự hào mà trong đó con người vẫn nhận thức được những giới hạn của mình thì không phải là bệnh lý.

Các nhà tâm lý học Hoa Kỳ Jessica Tracy, Richard Robins và các đồng nghiệp của họ đã phân biệt rõ giữa “niềm tự hào đích thực” (dựa trên những điều cụ thể mà con người đạt được nhờ nỗ lực) và “sự kiêu hãnh ngạo mạn” (liên quan đến việc tự đánh giá theo cách phô trương hơn). Tracy và Robins lập luận rằng niềm kiêu hãnh ngạo mạn là một dạng khái quát hóa quá mức, trong đó niềm kiêu hãnh bỗng chỗng nhảy vọt lên một mức độ cao: thay vì tự nhận mình là một cầu thủ bóng rổ giỏi, người đó có thể tự cho mình là người chơi bóng rổ giỏi nhất. Thông thường, khi mọi người nghĩ rằng tự hào là vô ích, họ luôn nghĩ đến sự kiêu hãnh này.

Niềm tự hào rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần

Điều gì sẽ xảy ra nếu như với một liều lượng nhỏ, niềm tự hào – đặc biệt là niềm tự hào đích thực – không chỉ tốt mà còn cần thiết cho con người? Điều gì sẽ xảy ra nếu như không có nó, chúng ta sẽ không còn quan tâm đến bản thân nữa? Tự hào là niềm vui khi biết rằng bạn đã hoàn thành một điều gì đó mà bạn cho là quan trọng, thường là vì nó cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng lớn hơn, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Niềm tự hào có thể tìm thấy ở một học sinh đã cải thiện được điểm số môn Toán, một người mẹ vừa dỗ cho con mình nín khóc, hoặc một cầu thủ bóng đá vừa thắng trong một trận đấu. Niềm tự hào nằm ở những điều bình thường cũng như những điều phi thường. Nhưng quan trọng nhất, tự hào giúp hình thành nền tảng của sức khỏe tinh thần. Mọi người có xu hướng tưởng tượng về một cuộc sống với quá nhiều niềm tự hào, nhưng lại không cân nhắc đến một cuộc sống thiếu đi sự hiện diện của nó.

Xem bài viết  Giải phóng các “gánh nặng cảm xúc" & những áp lực đi kèm với chúng 

Khi còn là sinh viên đại học, tôi đã tham gia một khóa học không thể nào quên về triết học cổ đại. Trong một bài giảng về sự ngạo mạn, giáo sư của chúng tôi, người đã đạt thành tích cao trong lĩnh vực này, đã nói với cả lớp rằng tự hào là một lỗi lý luận. Theo ông, tự hào có nghĩa là hài lòng, từ đó dẫn đến tự mãn; cho phép bản thân mình cảm thấy tự hào cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể đạt được những thành tựu trong tương lai. Vì những lời giảng ấy mà tôi đã đè nén niềm tự hào của mình trong nhiều năm. Tôi sẽ nhớ lại những lời của vị giáo sư ấy mỗi lần tôi cảm thấy vui mừng dù chỉ là một chút. Tôi tự nhắc nhở bản thân rằng ngoài kia còn rất nhiều thành tựu khác vượt trội hơn những gì tôi đạt được. Tự hào dần biến thành tự phê bình, và tự phê bình dẫn đến trầm cảm.

Thật vậy, việc một người không thể cảm thấy tự hào về bản thân có liên quan đến một số rối loạn lâm sàng. Trầm cảm nặng dẫn đến cảm giác trống rỗng và không có khả năng cảm nhận được niềm vui trong bất kỳ thành tích cụ thể nào. Những người mắc rối loạn nhân cách ranh giới (liên quan đến suy nghĩ rạch ròi, cảm giác không ổn định về danh tính và các vấn đề mãn tính về điều tiết cảm xúc) thường tự nhận mình là người hoàn toàn tồi tệ và vô giá trị – họ có xu hướng giải thích những thành tích của mình (hoàn toàn phủ nhận hoặc đổ thừa cho hoàn cảnh). Rối loạn ám ảnh cưỡng chế thì có đặc trưng là sự thiếu tự tin (suy yếu khả năng cảm thấy tự hào).

Ngược lại, khi cho phép bản thân cảm thấy tự hào, lòng tự trọng, động lực và hy vọng sẽ được nâng cao. Cả ba điều này đều rất quan trọng đối với ý chí sống của một người. Khi chúng ta cảm thấy tự hào về một thành tích nào đó, chúng ta sẽ hình thành mong muốn đạt được cảm giác đó một lần nữa. Ngoài ra, niềm tự hào có thể giúp chúng ta tạo ra những nấc thang thành công cho cá nhân. Vì vậy, khi bạn đạt được bất kỳ điều gì có ý nghĩa, chẳng hạn như viết xong một bài báo, bạn nên cân nhắc thử làm điều gì đó khó hơn, như viết một chương sách chẳng hạn.

Cuối cùng, cảm giác tự hào giúp chúng ta có được sự tin tưởng vào năng lực của chính mình (self-efficacy). Chỉ khi nhận ra rằng những thành tựu trước đây của mình quan trọng thì bạn mới có thể cảm thấy rằng mình có khả năng giải quyết các vấn đề khác trong tương lai.

Tôi đã trị liệu cho những thân chủ gặp khó khăn với lòng tự trọng và chán ghét sự tự hào. Họ liên tục phủ nhận những điều tích cực của mình nên khi được yêu cầu thuyết trình hoặc tham gia một cuộc thi nào đó, họ thường xuyên tìm cách tránh né. Khi tôi khuyến khích họ thách thức những lý do khiến họ ngăn cấm bản thân cảm thấy tự hào, tôi nhận ra rằng họ dần dần cảm thấy các khó khăn mới dễ dàng kiểm soát hơn và dễ vượt qua các rào cản hơn trước.

Trong phần tiếp theo, tôi sẽ giúp bạn khám phá những rào cản cá nhân đối với sự tự hào, đồng thời cung cấp cho bạn những công cụ giúp bạn cảm nhận được điều đó và hưởng lợi từ nó thường xuyên hơn.

Điều cần làm để cảm thấy tự hào hơn

Thách thức những niềm tin và giả định vô bổ của bạn

Bước đầu tiên để cảm thấy tự hào hơn là thách thức một số niềm tin và giả định vô bổ mà bạn có về sự tự hào. Một cách mà tôi sử dụng để giúp thân chủ của mình thực hiện điều này là yêu cầu họ tự hỏi bản thân một loạt câu hỏi liên quan đến tự hào và sau đó thảo luận về các câu trả lời cùng với họ.

Dưới đây là một số câu hỏi tôi đặt ra và một số lời gợi ý mà tôi sử dụng khi thảo luận:

Nếu tôi cảm thấy hài lòng và tự hào, điều đó có làm mất động lực của tôi không?

Dựa trên nghiên cứu về khái niệm ‘vòng xoáy khoái lạc’ (hedonic treadmill), câu trả lời là không. Khái niệm ấy cho thấy rằng chúng ta rồi sẽ dần dần cảm thấy chán nản với những thành tựu của mình và sẽ tìm kiếm nhiều thành tựu hơn nữa. Mặc dù chúng ta có xu hướng tin rằng một số thành tựu sẽ thúc đẩy trạng thái hạnh phúc vĩnh viễn, nhưng trên thực tế, con người sẽ cảm thấy nhàm chán với những gì mình đã sở hữu, bao gồm cả những kỷ niệm và thành công của chính mình.

Xét theo bản chất của con người, trì hoãn là kết quả có rất ít khả năng xảy ra. Sau khi ăn mừng những thành tựu của mình, hầu như không thể tránh khỏi, chúng ta sẽ phấn đấu để đạt được điều gì đó khác.

Cũng cần nhớ rằng, theo nghiên cứu về mô hình năm tính cách lớn, trung bình thì các đặc điểm tính cách chính chỉ thay đổi một chút trong suốt cuộc đời của một người. Vì vậy, nếu bạn có nhiều tham vọng, có định hướng và tận tâm, bạn có thể sẽ duy trì như vậy đến hết cuộc đời, bất kể bạn có cho phép bản thân tự hào về thành tích của mình hay không.

Cảm thấy tự hào có khiến tôi trở thành một người tồi tệ hay ái kỷ không?

Một số người lo sợ rằng kiêu hãnh đồng nghĩa với tội lỗi. Có lẽ bạn cũng cảm thấy có lỗi bất cứ khi nào mình không tỏ ra khiêm tốn. Một số niềm tin tôn giáo có thể thúc đẩy xu hướng này bằng cách áp dụng quan điểm nhị nguyên về con người, coi con người hoặc là thiện hoặc là ác. Nhưng, tôi phản bác lại rằng: liệu có ai tốt hoàn toàn không? Tôi muốn nói rằng nếu bạn không bao giờ cho phép mình cảm thấy tự hào, bạn đang đặt mình vào một tiêu chuẩn bất khả thi. 

Tương tự, trong triết học tôn giáo, tự hào thường được ghép với kiêu ngạo. Do đó, nó được coi là một ngộ nhận về địa vị của con người trong mối quan hệ với thần thánh. Quan điểm như vậy dạy rằng chúng ta phải thường xuyên ý thức về sự vâng phục của chúng ta đối với thượng đế. Tuy nhiên, niềm tự hào đích thực mà tôi đang khuyến khích bạn cảm nhận nhiều hơn không hề liên quan đến thần thánh. Khi cảm thấy niềm tự hào đích thực, chúng ta không báng bổ thần thánh, vì phiên bản này của niềm kiêu hãnh không đồng nghĩa với sự tự phụ.

Xem bài viết  Sang chấn Tâm lý và Rối loạn Ăn uống

Có phải tôi đã bỏ qua một thành tích cá nhân vì tôi cho rằng nó không tốt bằng những thành tích khác?

Những người cảm thấy khó tự hào về thành tích của mình thường sử dụng một dạng nhận thức gọi là ‘loại bỏ điều tích cực’, nghĩa là đưa ra những lý do vì sao điều mà người ấy làm trông có vẻ tốt lại thực sự không tốt như vậy. Thông thường, chúng ta sẽ làm điều này bằng cách so sánh với những thành tích cá nhân mà ta cho là vượt trội hơn. Chẳng hạn, thay vì ăn mừng và tự hào về những phản hồi tích cực tại nơi làm việc, thay vào đó, bạn sẽ cảm thấy thất vọng vì mình không phải là người có thành tích tốt nhất văn phòng như những gì bạn đã từng trước đây. Nếu bạn có xu hướng xem xét thành tích của mình theo cách này, tư duy toàn cảnh sẽ là phương pháp hữu ích. Ngoài việc so sánh thành tích của bạn với thành tích tốt hơn, hãy thử so sánh với thành tích nhỏ hơn. Bạn có thể so sánh nó với thành tích kém quan trọng của chính mình hoặc thậm chí là của người khác. Khi xem xét trên diện rộng, những thành tựu của bạn sẽ nằm đâu đó giữa việc buộc được dây giày và ngăn chặn thảm họa hạt nhân. Và dù thành tích của bạn nằm ở đâu đi nữa thì chúng đều đáng được đón nhận.

Có phải tôi đang từ chối niềm tự hào của mình vì những kỳ vọng không thực tế?

Những người gặp khó khăn với chủ nghĩa hoàn hảo không lành mạnh coi sự hoàn hảo toàn diện là thành tựu cuối cùng, nghĩa là họ tự phủ nhận cảm giác tự hào cho đến khi đạt được mục tiêu bất khả thi đó. Bạn có thể nghĩ rằng mục tiêu này là hợp lý. Trong trường hợp của tôi, nếu tôi là một nhà trị liệu giỏi ở Brooklyn, vậy thì tôi cũng nên trở thành một nhà trị liệu giỏi ở Thái Lan chứ nhỉ? Tuy nhiên, sự hoàn hảo phụ thuộc vào bối cảnh nhiều hơn là lần đầu tiên mà nó xuất hiện. 

Theo lý tưởng thì chúng ta muốn phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên, theo nguyên lý bất định của Heisenberg, ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc (hay động lượng, hoặc xung lượng) của một hạt vào cùng một lúc. Vì thế, nếu nếu chúng ta thích nghi với một khía cạnh này, chúng ta sẽ không phát triển mạnh ở một khía cạnh khác. Về cơ bản, sự hoàn hảo không tồn tại và sự hoàn hảo đáng để phấn đấu luôn mang tính tương đối. Hãy nghĩ về sự thích nghi của quá trình tiến hóa: khi một sinh vật trải qua nhiều thế kỷ tiến hóa phát triển một bộ lông, chúng sẽ thích hợp ở trong môi trường lạnh hơn là môi trường ấm áp. Do đó, bản năng của con người sẽ khiến chúng ta lạc lối nếu cứ theo đuổi sự hoàn hảo như một đích đến cuối cùng. Thay vào đó, hãy cố gắng vui mừng và tự hào về những thành tích nhỏ hơn, khiêm tốn hơn nhưng vẫn xứng đáng của bạn, chẳng hạn như đạt điểm cao, tập thể dục khi bạn cảm thấy không thích và xử lý một cuộc cãi vã theo cách trưởng thành.

Du hành thời gian trong tâm trí để nhìn nhận mọi thứ theo góc nhìn khác

Sau khi thách thức một số suy nghĩ và niềm tin vô bổ của bạn về niềm tự hào và thành công, đây là một bài tập cụ thể để giúp bạn đánh giá cao hơn những thành tựu của mình. Bài tập này dựa trên thực tế rằng, chúng ta khó có thể nhận thấy sự tiến bộ của bản thân trong thời gian ngắn. Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân xem liệu rằng bạn của năm năm trước hoặc bạn của năm ngoái có tự hào về con người bạn lúc này hay không. Hãy tưởng tượng bạn lúc trẻ nghĩ gì về bạn ở hiện tại. Người ấy có tự hào về bạn không? Người ấy có thể tưởng tượng rằng người ấy sẽ đạt được tất cả những gì bạn đang có không? Khi bạn nhìn thấy mình qua đôi mắt của người ấy, bạn có ngạc nhiên về con người của mình không? Tôi cá rằng bạn của một năm trước sẽ ngạc nhiên về bạn của ngày hôm nay, và bạn của ngày hôm nay có thể sẽ ngạc nhiên về bạn của một năm sau nữa.

Tôi thường yêu cầu khách hàng của mình xem xét sự tiến hóa của các loài, hỏi xem liệu họ tin rằng việc đó xảy ra nhanh chóng hay dần dần. Nếu bạn nghĩ về thành công theo cách tương tự – như một quá trình dần dần chứ không phải là một thành tựu đột ngột – bạn có thể thấy dễ dàng hơn khi nghĩ về cuộc sống của chính mình theo cách rộng hơn, tích cực hơn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng sự tiến hóa xảy ra theo từng bước. Các loài mất hàng thiên niên kỷ để thích nghi với môi trường sống của chúng, vậy tại sao bạn lại không thể kiên nhẫn hơn một chút với bản thân chứ?

Hãy có cái nhìn thực tế về những hình mẫu mà bạn muốn noi theo

Tiếp theo, hãy xem xét những người mà bạn ngưỡng mộ. Họ có thể là vận động viên, nhạc sĩ, chính trị gia hoặc thậm chí là những người bình thường. Hãy tự đặt câu hỏi rằng họ đã mất bao lâu để được mọi người ngưỡng mộ. Chúng ta thường so sánh bản thân mình với những người đã đạt được những gì mà chúng ta mong muốn, để rồi thất vọng và không còn tự hào về bản thân. Tuy nhiên, đây thường là sự so sánh khập khiễng vì những người ta noi theo không tự nhiên đạt được những thành tựu của họ. 

Hãy xem xét cuộc đời của họ và tự hỏi bản thân rằng họ đã mất bao lâu để trở nên thành công; cuộc đời họ có nhiều tiến bộ hay thụt lùi hay không? Hãy nhớ rằng, nếu thành công đến ngay lập tức và dễ dàng đạt được thì có lẽ người ta sẽ không thích thú với nó. Thông thường thì quá trình càng gian khổ, kết quả càng rực rỡ.

Nhìn nhận cuộc sống một cách toàn diện

Một cuộc sống không có sự tự hào – sống chỉ để thành công mà lại không tận hưởng thành công đó – có thể sớm trở nên ảm đạm. Nếu đây là trường hợp của bạn, có thể bạn đã tự hỏi mình: “Tôi làm tất cả những thứ này để làm gì?”

Nếu nhu cầu thể chất cơ bản của bạn đòi hỏi bạn phải thành công liên tục, bạn có thể đang sống trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhưng điều đó không đúng với hầu hết chúng ta, ít nhất là không đúng ở các quốc gia tương đối an toàn và thịnh vượng. Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta coi việc phải trở nên thành công hơn nữa gần như là một điều cần thiết. Họ lọc ra những mặt tích cực và tập trung vào những điều tiêu cực. Họ đưa ra vô số lý do tại sao mình sẽ chỉ hạnh phúc khi một số điều trở nên khác biệt. 

Hãy có một cái nhìn tổng thể về cuộc sống của bạn và tìm hiểu xem có điều gì tốt ở thời điểm hiện tại hay không. Không phải là trong tương lai sau khi bạn đạt được điều X hay điều Y, mà là ngay lúc này. Chúng ta có khả năng tha thứ cho chính mình, vì thế chúng ta cũng có khả năng cảm thấy tự hào về bản thân ở hiện tại. 

Trong suốt cuộc đời của mình, bạn sẽ phải đưa ra các lựa chọn, ngay cả trong vô thức, về việc có nên cho phép bản thân cảm nhận một số cảm giác hay không. Bạn có thể có thói quen từ chối niềm tự hào, nhưng bạn luôn có thể thay đổi ý định để chấp nhận nó. Cuộc sống của hầu hết mọi người đều có những khía cạnh tuyệt vời: những điều ta đã đạt được và những người mà ta yêu mến. Tôi xin bạn hãy tập trung vào những điều ấy và tự hào về chúng. Ví dụ, hãy xem xét mức độ khó khăn của việc được thăng chức hoặc duy trì cuộc hôn nhân của bạn và tất cả nỗ lực bạn đã bỏ ra cho những sự cố gắng đó.

Xem bài viết  Quản Trị Cảm Xúc

Tạo ra khung thời gian để cảm thấy tự hào

Nếu sợ bản thân mắc kẹt với sự trì hoãn, hãy đặt ra một giới hạn thời gian cho bản thân: Tôi sẽ cảm thấy tự hào về một thành tích nào đó trong vòng một tuần, rồi sau đó cố gắng đạt được điều gì đó khác. Điều này rất quan trọng đối với những người gặp khó khăn với kiểu tư duy trắng đen rạch ròi, tin rằng tự hào sẽ dẫn đến đến việc ăn không ngồi rồi. Đặt ra giới hạn thời gian để trải nghiệm niềm tự hào giúp bạn công nhận tầm quan trọng của nó. Và giới hạn này hoàn toàn có thể do bạn tự lựa chọn. Ngoài ra, nếu bạn muốn cải thiện hơn nữa và cho rằng cảm giác tự hào không đủ làm động lực cho bạn, hãy xem xét một số hình thức kỷ niệm dựa theo mức độ của thành tích đó. Ví dụ, nếu bạn nhận được điểm cao trong một kỳ thi, hãy xem xét mức độ nỗ lực của bạn trong việc học tập và tự hỏi bản thân rằng mình nên ăn mừng theo mức độ nào, sau đó cho phép bản thân cảm thấy vui vẻ và dành ra một khoảng thời gian nhất định để cảm thấy tự hào.

Ghi nhận các thành tựu của bạn

Hãy ghi chép về các mục tiêu của bạn, ghi lại khi bạn đạt được mục tiêu và ngay cả khi bạn không đạt được mục tiêu. Một bản ghi về những thành tích vừa và lớn của bạn sẽ thúc đẩy bạn đặt ra các mục tiêu trong tương lai và cung cấp cho bạn sự tự tin cần thiết để vượt qua những thất bại. (Việc ghi lại các mục tiêu nhỏ không có ý nghĩa gì vì bạn có thể có quá nhiều thứ cần ghi nhận.) Bạn sẽ có thể đánh giá được mình đã làm được bao nhiêu, đồng thời nhắc nhở bản thân về số lượng mục tiêu chưa hoàn thành. Những thất bại được ghi nhận sẽ cho phép bạn duy trì sự khiêm tốn. Tính ái kỷ sẽ không cho phép bạn thừa nhận thất bại, vì vậy bài tập này sẽ đặc biệt hữu ích nếu bạn sợ rằng sự tự hào sẽ sinh ra tính ái kỷ.

Bạn có thể chia sẻ bản ghi chép của mình với những người khác nếu bạn thích nhận được phản hồi và không chắc liệu điều gì đó có đáng để tự hào hay không. Nhưng hãy nhớ rằng: nếu điều gì đó khó khăn đối với bạn, bất kể điều đó có khó đối với người khác hay không, bạn cũng nên cảm thấy tự hào về bản thân vì đã thực hiện nó. Và ngay cả khi bạn liên tục thất bại ở một điều gì đó, bạn vẫn có thể cảm thấy tự hào về bản thân vì tất cả những nỗ lực mà bạn đã làm. Trau dồi khả năng phục hồi nên là một mục tiêu quan trọng như bất kỳ thành tựu nào khác vì nó có thể tồn tại lâu dài. Bạn có thể chẳng phải là một nhà vô địch mãi mãi, nhưng bạn có thể vẫn kiên cường cho đến khi già. Điều này không có nghĩa là bạn không bao giờ được từ bỏ – đôi khi chuyển hướng là điều hoàn toàn hợp lý và không có gì phải xấu hổ cả.

Thông tin thêm

Tầm quan trọng của việc chấp nhận bản thân vô điều kiện

Tôi hy vọng rằng tôi đã thuyết phục được bạn về giá trị của cảm giác tự hào đích thực và cung cấp một số cách để bạn có thể bắt đầu cảm thấy tự hào như vậy thường xuyên hơn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng không nên đưa việc luyện tập niềm tự hào này đi quá giới hạn, cũng đừng nên chỉ gắn liền giá trị bản thân với những thành tựu bên ngoài.

Nhà tâm lý học người Mỹ Albert Ellis, người sáng lập ra liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý, đã phân biệt giữa việc chấp nhận bản thân có điều kiện và vô điều kiện. Đối với Ellis, sự chấp nhận bản thân có điều kiện giống với điều mà chúng ta thường gọi là lòng tự trọng. Ông tin rằng điều này phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sắc đẹp, trí thông minh hoặc thành tích của một người. Mặt khác, sự chấp nhận bản thân vô điều kiện được hình thành dựa trên quyết định yêu bản thân bất kể thuộc tính, thành tích hay quan điểm của xã hội về những điều đó.

Ellis khẳng định rằng các giá trị bên ngoài không thể xác định được về mặt triết học. Mỗi chúng ta đều có khả năng lựa chọn chấp nhận những gì vốn có của bản thân. Ông lập luận rằng sắc đẹp, trí thông minh và thành tích chỉ có ý nghĩa đối với con người, nhưng lại không có ý nghĩa đối với Vũ trụ không có cảm xúc. Vì những điều ấy mang tính chủ quan chứ không quan trọng đối với Vũ trụ, Ellis khẳng định rằng chúng ta nên trân trọng bản thân mình ngay bây giờ. Ông cảnh báo, nếu không làm như vậy, chắc chắn sẽ dẫn đến chứng trầm cảm và lo âu.

Không ai có thể phát triển liên tục. Không ai có thể luôn là phiên bản đẹp nhất, thông minh nhất và thành công nhất của chính mình. Nếu chúng ta luôn hướng tới tiêu chuẩn đó, Ellis lập luận rằng cuối cùng chúng ta sẽ trở nên khốn khổ do sự thất bại không thể tránh khỏi, sự so sánh mãn tính và sự hoang tưởng về việc những cá nhân có trình độ tốt hơn sẽ thay thế chúng ta.

Trên thực tế, nếu mắc phải tư tưởng cầu toàn như vậy, con người sẽ luôn tìm ra lý do tại sao mình lại chưa đủ tốt. Ví dụ như bạn là một sinh viên xuất sắc trong trường y khoa, nhưng ở nơi đó, mọi người đều có chỉ số IQ cao; bạn đạt được điểm cao trong một kỳ thi, nhưng đó chỉ là số điểm trung bình khi so sánh với những người cùng trang lứa. Nói tóm lại, thành công luôn chỉ mang tính tương đối.

Ellis cho rằng mỗi khi bắt đầu đánh giá bản thân dựa trên hiệu suất hoặc thuộc tính nào đó, chúng ta đã lựa chọn bỏ qua việc coi trọng bản thân dựa trên các giá trị nội tại của mình. Ông khuyên rằng chúng ta cần phải liên tục xem xét lại sự lựa chọn của mình để thực hành việc chấp nhận bản thân vô điều kiện. Bất cứ khi nào bạn cho rằng thất bại ở một điều gì đó khiến giá trị của bạn suy giảm, hoặc bị từ chối khiến bạn trở thành người không đáng được yêu thương, hãy thử thách những niềm tin và giả định cốt lõi của bạn – những thứ vốn là nền tảng cho những phán xét khắc nghiệt này.

Quyền lựa chọn và nhận ra giá trị vốn có của bản thân nằm trong tay của bạn. Nếu giá trị khách quan không tồn tại, chúng ta có thể liên tục nhắc nhở mình rằng chúng ta có khả năng trân trọng bản chất con người của mình, đơn giản là vì chúng ta muốn như vậy.

Dịch từ: https://psyche.co/guides/how-to-feel-more-pride-in-your-hard-earned-achievements

Leave a Comment

Scroll to Top