Các tên tuổi rất thành công như ca sĩ Demi Lovato, danh hài Russell Brand, biên tập viên thời sự Jane Pauley và nữ minh tinh Catherine Zeta-Jones đều có một điểm chung, đó là họ, cũng như hàng triệu người khác, đang phải sống chung với rối loạn lưỡng cực. Khi được chẩn đoán gặp phải tình trạng này vào 2012, tôi hầu như không có chút thông tin gì về nó. Tôi thậm chí không biết rằng nó đã luôn ở trong chính gia đình mình. Vì vậy, tôi đã miệt mài nghiên cứu, đọc từ sách này đến sách khác để hiểu về nó, chia sẻ với các bác sĩ, tiếp tục tìm hiểu cho đến khi nắm rõ được vấn đề mà gia đình tôi đang gặp phải.
Tuy các thông tin về tình trạng này đang được khai thác ngày càng nhiều nhưng vẫn còn đó khá nhiều thông tin sai lệch về nó. Dưới đây là một vài lầm tưởng và sự thật, cùng tham khảo để trang bị thêm kiến thức cho mình cũng như thay đổi cách nhìn nhận chưa chính xác về rối loạn lưỡng cực.
1. Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng hiếm gặp
Trên thực tế, chỉ tính riêng nước Mỹ có đến khoảng 2 triệu người lớn đang sống chung với rối loạn lưỡng cực. Cứ mỗi 5 người Mỹ thì sẽ có 1 người trải qua các vấn đề về tâm lý.
2. Rối loạn lưỡng cực chỉ đơn giản là tâm trạng thất thường – điều mà ai cũng có
Sự thật thì biên độ của rối loạn lưỡng cực khác xa so với kiểu tâm trạng “sáng nắng chiều mưa” thường thấy. Người thực sự gặp tình trạng này thường phải trải qua những thay đổi rất lớn về năng lượng, về hoạt động và giấc ngủ, đến mức khó nhận ra đó là bản thân họ.
Một chuyên viên nghiên cứu về tâm thần học tại một trường đại học của Mỹ đã viết rằng “Bạn không thể kết luận rằng mình đang gặp phải rối loạn lưỡng cực chỉ đơn giản vì khi sáng thức dậy tâm trạng bạn rất tốt, đến trưa bạn trở nên gắt gỏng rồi sau đó vui vẻ trở lại, cho dù tình trạng này có diễn ra bao nhiêu lần đi chăng nữa! Ngay cả rối loạn lưỡng cực có chu kì nhanh (rapid-cycling bipolar disorder) cũng phải có những triệu chứng hưng cảm (nhẹ) trong nhiều ngày liên tục chứ không chỉ là vài giờ đồng hồ. Các chuyên viên lâm sàng cần phải xem xét cả những nhóm triệu chứng lẫn các cảm xúc .”
3. Chỉ có một loại rối loạn lưỡng cực
Sự thật: có 4 loại cơ bản và mỗi loại khác nhau sẽ gây nên các trải nghiệm khác nhau.
Rối loạn lưỡng cực I được chẩn đoán khi một người có ít nhất một giai đoạn trầm cảm và ít nhất một giai đoạn hưng cảm, thỉnh thoảng kèm theo các triệu chứng loạn thần như các ảo tưởng hay ảo giác.
Rối loạn lưỡng cực II bao gồm chủ yếu là các giai đoạn trầm cảm và ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ. Hưng cảm nhẹ (hypomania) là một kiểu hưng cảm (mania) nhưng có mức hưng phấn nhẹ hơn. Người gặp rối loạn lưỡng cực II có thể trải qua các triệu chứng loạn thần nhất quán hoặc mâu thuẫn với tâm trạng.
Rối loạn lưỡng cực chu kỳ (cyclothymia) được xác định thông qua nhiều giai đoạn các triệu chứng loạn thần nhẹ cũng như các triệu chứng trầm cảm kéo dài trong khoảng ít nhất hai năm (một năm đối với trẻ em và thanh thiếu niên). Các triệu chứng này nhẹ hơn các giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm thông thường.
Rối loạn lưỡng cực với các triệu chứng không rõ ràng không có một quy chuẩn chung và được xác định bởi các triệu chứng không giống với ba loại rối loạn lưỡng cực nêu trên.
4. Có thể trị liệu thông qua chế độ ăn uống và luyện tập
Rối loạn lưỡng cực là một chứng rối loạn suốt đời và hiện tại vẫn chưa có cách trị. Tuy nhiên, ta có thể kiểm soát nó bằng các liệu pháp qua lời nói hoặc bằng thuốc song song với việc tránh căng thẳng, duy trì ăn, ngủ, tập luyện đều đặn.
5. Hưng cảm hoàn toàn tích cực. Người đang hưng cảm sẽ có tâm trạng tốt và rất dễ gần.
Thực tế thì trong nhiều trường hợp, người bị hưng cảm lúc đầu sẽ thấy dễ chịu, nhưng nếu thiếu các biện pháp trị liệu thì mọi thứ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí rất kinh khủng. Họ có thế sẽ đi ăn chơi chè chán, tiêu xài hết mức. Vài người có cảm giác căng thẳng tột độ và cực kì dễ cáu vì những chuyện nhỏ nhặt và gây hấn với với người thân. Người bị hưng cảm dễ suy nghĩ và hành động mất kiểm soát hay thậm chí trở nên loạn thần.
6. Các nghệ sĩ có rối loạn lưỡng cực sẽ mất đi khả năng sáng tạo nếu họ được trị liệu
Quá trình trị liệu giúp đầu óc ta minh mẫn hơn, điều này nhiều khả năng cũng sẽ giúp cải thiện hiệu quả làm việc. Tác giả được đề cử giải Pulitzer – cô Marya Hornbacher là người đầu tiên phát hiện ra điều này.
“Khi được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực, tôi đã tin rằng mình sẽ không thể nào viết sách nữa. Dù vậy, trước đó tôi đã viết một cuốn sách và giờ đây tôi đang viết quyển thứ bảy của mình.”
Cô nhận ra rằng khi được trị liệu thì cô còn làm việc hiệu quả hơn.
“Khi đang viết quyển sách thứ hai, tôi vẫn chưa bắt đầu trị liệu các triệu chứng, kết quả là tôi đã viết ra 3000 trang sách tệ nhất từ trước đến giờ. Sau đó, tôi nhận ra mình không thể viết phần kết cho quyển sách vì tôi cứ mải viết và không tìm được cách kết thúc. Rồi tôi được chẩn đoán và bước vào trị liệu. Cuối cùng quyển sách cũng được xuất bản, sau ít nhất 10 tháng vật vã. Khi được trị liệu, tôi đã có thể tập trung và sáng tạo hiệu quả. Hiện tại dù vẫn còn vài triệu chứng nhưng nhìn chung thì tôi vẫn làm việc khá ổn,” cô kể. “Một khi bạn đã hiểu và đối phó được với nó, sống chung với nó là điều hoàn toàn khả thi. Hãy tập sống chung. Đừng để nó ảnh hưởng cuộc đời bạn”. Cô cũng viết về những trải nghiệm của mình trong cuốn “Điên cuồng: Một Cuộc đời Lưỡng cực”, và hiện tại Marya đang viết phần tiếp theo kể về quá trình phục hồi của mình.
7. Người có rối loạn lưỡng cực luôn luôn trong trạng thái hoặc hưng cảm hoặc trầm cảm
Sự thật: người bị rối loạn lưỡng có thể có tâm trạng cân bằng trong suốt một khoảng thời gian dài gọi là trạng thái ổn định (euthymia). Ngược lại, thỉnh thoảng họ cũng có thể phải trải qua giai đoạn “pha trộn” – tình trạng hưng cảm và trầm cảm cùng lúc.
8. Tất cả các loại thuốc chỉ định cho rối loạn lưỡng cực đều như nhau
Sự thật là có thể cần vài thử nghiệm và thậm chí vài sai lầm trong quá trình tìm ra phương thuốc phù hợp cho bạn. “Có vô vàn loại thuốc cân bằng cảm xúc hay thuốc chống loạn thần có tác dụng trong trị liệu rối loạn lưỡng cực. Có thể một người hợp với loại thuốc này nhưng người khác lại không. Nếu bạn dùng thuốc và cảm thấy không hiệu quả hay gặp phải tác dụng phụ, phải liên hệ và báo cho đã kê loại thuốc ấy biết. Cả hai bên cần làm việc với nhau để tìm ra loại thuốc khác phù hợp,” theo chuyên viên nghiên cứu về tâm thần học.
Điều cần lưu ý
Cứ mỗi 5 người thì sẽ có 1 người chịu ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý, bao gồm cả rối loạn lưỡng cực. Cũng như nhiều người khác, tôi đã được trị liệu và phục hồi rất tích cực. Cuộc sống tôi đã trở lại bình thường, các mối quan hệ mà tôi có đã trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Sự nghiệp của tôi đã ổn định, và hôn nhân với người chồng luôn bên cạnh hỗ trợ tôi xuyên suốt cũng rất bền chặt.
Tôi mong bạn tìm hiểu thêm về những dấu hiệu cũng như triệu chứng của tình trạng này và nhớ liên hệ bác sĩ nếu bạn cảm thấy bạn cũng đang có những dấu hiệu tương tự. Nếu bạn hay người quen của bạn gặp khó khăn, nhớ hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Đã đến lúc chấm dứt những lầm tưởng – nguyên nhân khiến những người gặp vấn đề không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Dịch từ: https://www.healthline.com/health/8-harmful-bipolar-disorder-myths-you-need-to-stop-believing